Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp

27/04/2017
Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp
Sáng 26/4, Bộ Tư pháp đã tổ chức tọa đàm về Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” đến năm 2022. Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Đỗ Hoàng Yến chủ trì Tọa đàm.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, bà Đỗ Hoàng Yến cho biết: Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 11/02/2010 (Đề án 258) đã tạo ra bước đột phá trong hoạt động giám định tư pháp. Sau 05 năm triển khai, Đề án 258 đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, nhiều nhiệm vụ quan trọng của Đề án 258 đang được các Bộ, ngành và địa phương triển khai, thực hiện như tăng cường cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng hoạt động giám định tư pháp, phối hợp liên ngành… cần phải tiếp tục thực hiện trong nhiều năm mới thì mới đạt kết quả và phát huy tác dụng trên thực tế.
Vì vậy, tại Hội nghị trực tuyến tổng kết 05 năm thực hiện Đề án 258, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã chỉ đạo giao cho Bộ Tư pháp dự thảo Quyết định về việc tiếp tục thực hiện và điều chỉnh bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” đến năm 2020 gắn với cải cách tư pháp và thực hiện Luật giám định tư pháp.
Mục tiêu tổng quát của Đề án là tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động và quản lý giám định tư pháp nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, căn bản về chất lượng và hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động tố tụng, góp phần vào việc nâng cao chất lượng của hoạt động tố tụng, phòng chống tham nhũng, giúp giải quyết các vụ án được chính xác, khách quan, đúng pháp luật, góp phần đảm bảo công lý, công bằng xã hội; đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp nhằm đáp ứng yêu cầu của tổ chức, cá nhân ngoài hoạt động tố tụng, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tại tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận về thời gian thực hiện Đề án, vì trước đó đã có nhiều ý kiến cho rằng nếu chỉ thực hiện đến năm 2020 thì thời gian thực tế triển khai là quá ngắn, cần kéo dài đến năm 2022. Những nội dung khác cũng được quan tâm trao đổi là hạn chế, vướng mắc trong thực hiện Đề án thời gian qua; những nhiệm vụ, giải pháp mà Đề án cần tập trung thực hiện trong giai đoạn tiếp theo đến năm 2022...
P.V