Họp tư vấn thẩm định đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục

18/01/2017
Họp tư vấn thẩm định đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục
Vừa qua, Bộ Tư pháp tổ chức cuộc họp tư vấn thẩm định do đồng chí Nguyễn Thị Kim Thoa –Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp - Chủ tịch Hội đồng tư vấn thẩm định chủ trì.
Về sự cần thiết đề nghị xây dựng Luật, đa số ý kiến của các thành viên Hội đồng tư vấn thẩm cho rằng cần hết sức cân nhắc khi sửa đổi lần này, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo có đánh giá tác động của chính sách, dự báo sự ảnh hướng của chính sách, tính toán mọi vấn đề như: về kinh phí thực hiện, tổ chức, bộ máy và đặc biệt là ảnh hưởng như thế nào đến đối tượng điều chỉnh ở đây là người học. Nhằm thực hiện mục tiêu "Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu, nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài" và để tránh tình trạng việc học của các em như “chuồn chuồn chấm nước” học rất nhiều nhưng đến khi không biết mình học cái gì và ra đời có áp dụng vào thực tế hay không, đó là những vấn đề lớn đặt ra cho việc sửa đổi lần này. Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến góp ý cụ thể về các vấn đề lớn của dự thảo Luật, đặc biệt là vấn đề sau:
Về thời gian học: Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần cân nhắc việc rút ngắn chương trình đào tạo Đại học xuống còn 03 năm. Vì căn cứ vào tình hình thực tế việc dạy và học của giáo viên và sinh viên Việt Nam, việc rút ngắn chương trình sẽ khó đảm bảo cho lượng kiến thức lớn (lý thuyết và thực hành) để sinh viên có thể ra ngoài làm việc được ngay…thay vào đó chúng ta có thể thay đổi phương pháp dạy và học như tăng các tiết thực hành và giảm các tiết học lý thuyết.
Về sách giáo khoa: Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo quy định cụ thể điều kiện, trình tự  thủ tục và nêu được thực trạng việc thay đổi sách giáo khoa tại các cấp học và có đánh giá một cách chính xác hiệu quả của việc thay đổi đó, đồng thời phải đưa vào thử nghiệm tại một số cơ sở đào tạo, sau đó mới quyết định thay đổi chỉnh thức, có như vậy thì mới tránh được sai sót và giảm được các chi phí và phù hợp với thực tế sự phát triển của xã hội.    
Về mục tiêu đào tạo, có nhiều ý kiến cho rằng cần quan tâm hơn nữa tới việc đào tạo người lớn, đó là bồi dưỡng về nghiệp vụ, chuyên môn… vì đây là đối tượng có ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất lao động của cơ quan và toàn xã hội, ví dụ, có nhiều người giữ chức vụ quản lý cao trong cơ quan nhưng không biết sử dụng máy tính, không nói được tiếng anh, hay thiếu các kỹ năng mềm…
Phát biểu kết luận cuộc họp tư vấn thẩm định, Chủ tịch Hội đồng tư vấn thẩm định đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu kỹ ý kiến của Hội đồng tư vấn thẩm định về từng vấn đề để tiếp tục chỉnh lý hoàn thiện dự thảo đề nghị xây dựng Luật, nhằm nâng cao chất lượng của dự thảo văn bản. Trên cơ sở kết quả cuộc họp Hội đồng tư vấn thẩm định, Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính sẽ khẩn trương hoàn thành báo cáo thẩm định trình Lãnh đạo Bộ Tư pháp xem xét, ký ban hành./.
                                                          Nguyễn Văn Quân, Phòng THHC