​

Ngày Pháp luật nhớ về bản Hiến pháp đầu tiên thấm đượm tinh thần pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh

01/11/2013
Ngày pháp luật năm nay lần đầu tiên được tổ chức trong phạm vi toàn quốc, đánh dấu một sự kiện chính trị, pháp lý quan trọng cùng với sự kiện toàn dân tham gia góp ý kiến cho việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp. Mỗi ngày tìm hiểu, thực hành pháp luật và một ngày hội tụ, cùng nhau tổ chức ngày pháp luật hàng năm với những nội dung, việc làm thiết thực nhằm tạo lập, nâng cao tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật đối với người dân, đặc biệt là cán bộ, công chức nhà nước. Không chỉ là tôn trọng mà còn phải thiết lập những điều kiện cần thiết để đảm bảo thượng tôn hiến pháp và pháp luật đó là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước.

Ngày Pháp luật: thượng tôn Hiến pháp, pháp luật - Hội tụ và lan tỏa

Tinh thần và việc thực hành nguyên tắc sống thượng tôn pháp luật hội tụ trước hết ở thượng tôn Hiến pháp, lan tỏa vào các văn bản pháp luật khác và trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, trong ý thức, nếp nghĩ, việc làm cụ thể của mỗi người dân, cán bộ, công chức nhà nước, ở mọi nơi, mọi lúc.  Các quy định, nguyên tắc và nói chung hơn là tinh thần hiến pháp phải được tôn trọng, bảo vệ, đảm bảo thực hiện trong tổ chức, hoạt động của nhà nước, trong đời sống xã hội. Cũng vì lẽ đó mà tại nhiều nước trên thế giới, Ngày Hiến pháp, ngày pháp luật được coi là một trong những ngày lễ trang trọng, thiêng liêng của quốc gia.

Ngày Pháp luật 9/11 có ý nghĩa chính trị, pháp lý quan trọng bởi đó là ngày ban hành Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp đầu tiên của một nước Việt nam độc lập, thể hiện sâu sắc các nguyên tắc, giá trị cơ bản của nhà nước pháp quyền và tư tưởng pháp quyền nhân nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hiến pháp, pháp quyền của Người đã hình thành từ rất sớm, ngay từ trong tác phẩm “Việt Nam yêu cầu ca” năm 1922:” “Bảy xin Hiến pháp ban hành. Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Ngày pháp luật quốc gia cũng như mỗi ngày, chúng ta ghi nhớ những điều Người đã dạy và mong muốn mọi người thực hiện:" Phải nhận thức cho tốt và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật. Sự bình đẳng trong xã hội ở nơi pháp luật. Dân chủ đúng đắn cũng ở nơi pháp luật" và: :" Quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân" .[1]

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cũng bao hàm cả việc học tập và làm theo tư tưởng pháp quyền nhân nghĩa, thượng tôn Hiến pháp, pháp luật của Người. Thượng tôn pháp luật thể hiện ở quyền lực của pháp luật được xác lập, tôn trọng và phục tùng. Thượng tôn pháp luật không chỉ về nguyên tắc, hình thức mà còn về nội dung của pháp luật thể hiện sự công bằng, quyền, tự do, lợi ích chính đáng của con người, trật tự và lợi ích chung của cộng đồng, xã hội. Thượng tôn pháp luật không chỉ đối với pháp luật do nhà nước ban hành còn đối với « pháp luật »  của lẽ phải và đạo đức, lẽ công bằng ở đời, nghĩa là phương diện đạo đức của pháp luật.

Làm sao cho tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật thẩm thấu, lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội, không phải là điều gò bó, áp đặt mà là tự nguyện, tự giác. Tinh thần thượng tôn pháp luật cần lan tỏa vào ý thức, vào mỗi việc làm của mỗi cá nhân, ở mọi nơi, mọi lúc bởi lẽ, thượng tôn pháp luật đem lại hữu ích cho cuộc sống của con người.

Để cho tinh thần thượng tôn pháp luật lan tỏa sâu rộng vào đời sống xã hội, hội tụ cao nhất ở Hiến pháp, pháp luật phải thể hiện tốt nhất quyền, lợi ích và điều kiện phát triển của người dân, pháp luật phải “ vang vọng được ý dân, tiêng dân ”, phải từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ. Pháp luật là: nghệ thuật của điều thiện và công bằng” «Jus est ars boni et aegui». Làm được như vậy thì điều mong ước sau đây từ mấy trăm năm trước của nhà tư tưởng vĩ đại Monteskiơ trong tác phẩm bất hủ “ Tinh thần pháp luật “ sẽ trở thành hiện thực: “ tôi sẽ là người sung sướng nhất đời nếu có cách gì làm cho người cầm quyền tăng thêm được tri thức về những việc họ phải quản lý, và làm cho người thừa hành thêm hứng thú khi họ tuân lệnh…“[2].

Đúng là có rất nhiều việc phải làm, nhiều tình huống khó khăn, phức tạp đang đặt ra trước nhà nước, trước mỗi người. Song, thấm nhuần lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc gì có lợi cho dân cho nước thì khó mấy cũng phải làm. Vận dụng vào cuộc sống hôm nay, có lẽ chúng ta, mà trách nhiệm trước hết là thuộc về các cơ quan nhà nước, đó là cần xếp theo thứ tự ưu tiên đối với những “ việc cần làm ngay” nếu việc đó liên quan trực tiếp đến sự an toàn cho sức khỏe, tính mạng của con người, bởi con người là vốn quý nhất, là giá trị cao quý nhất. Một trong những việc cần ưu  tiên đầu tư đó là tạo lập, giữ gìn sự an toàn cho con người, cộng đồng  mỗi khi tham gia giao thông, mỗi khi đến với các cơ sở y tế. Đó chính là những việc làm thiết thực nhất, bởi mọi sự chậm trễ, mọi sự tắc trách trong hoạt động của cơ quan, công chức nhà nước đều ảnh hưởng đến lợi ích, sự an toàn, sức khỏe, đôi khi cả tính mạng của con người.    

Để “ Ngày nào cũng là Ngày Pháp luật”

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã có câu nói rất ý nghĩa và sinh động khi đề cập về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và ngày pháp luật 9/11 sẽ tổ chức hàng năm: “ Trong một Nhà nước pháp quyền thì ngày nào cũng là ngày pháp luật”[3].  Ngày nào cũng là ngày pháp luật, để cho mỗi người có tăng thêm hiểu biết về pháp luật liên quan đến cuộc sống của mình qua các kênh truyền tải khác nhau, trong đó có hệ thống thông tin, tiếp cận, giáo dục pháp luật, thi hành pháp luật. Ngày pháp luật có ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc, rộng lớn. Tinh thần Ngày Pháp luật sẽ dần dần lan tỏa trong đời sống mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng và toàn xã hội. Bằng cách đó để tạo lập tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật, bởi giá trị, vai trò to lớn, thiết thực của hiến pháp và pháp luật đối với cuộc sống của mỗi người./.

GS. TS. Hoàng Thị Kim Quế - Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội


[1] Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 5, Nxb Sự thật, Hà nội, 1985, tr. 299, 393, 418

[2] Montesquieu, Tinh thần pháp luật, Nhà xuất bản Giáo dục, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Khoa Luật, 1996, trang 35 – 36

[3] Bộ trưởng Tư pháp: Ngày nào cũng là ngày pháp luật , Trong chuyên mục "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời

http://vov.vn/Xa-hoi/Bo-truong-Tu-phap-Ngay-nao-cung-la-ngay-phap-luat/276489.vov


Hoàng Thị Kim Quế (2.5-0.4)