Hội thảo “Đánh giá kết quả cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ trong xây dựng luật”

02/08/2016
Hội thảo “Đánh giá kết quả cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ trong xây dựng luật”
Nằm trong khuôn khổ hợp tác của Bộ Tư pháp và dự án USAID/GIG hỗ trợ cho hoạt động của Hội đồng tư vấn thẩm định các dự án luật, pháp lệnh trực tiếp triển khai thi hành Hiến pháp (gọi tắt là Hội đồng), trong hai ngày 01 và 02 tháng 8 năm 2016, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo “Đánh giá kết quả cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ trong xây dựng luật” tại Phú Yên. Đồng chí Hà Hùng Cường, Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch Hội đồng chủ trì và chỉ đạo Hội thảo.

Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo Ủy ban pháp luật, một số đại biểu Quốc hội, thành viên Hội đồng, thành viên Tổ giúp việc của Hội đồng, đại diện Văn phòng Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, đại diện một số Bộ, ngành ở trung ương, đại diện một số cơ quan nhà nước ở các địa phương như Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Hà Hùng Cường, Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch Hội đồng đã khẳng định những điểm đổi mới quan trọng của Hiến pháp năm 2013 trong các quy định về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; khẳng định quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về phát triển bền vững, chính sách bảo vệ môi trường, tính chất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; khẳng định trách nhiệm của Nhà nước trong việc tạo sự bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội... Trong hơn hai năm vừa qua, Quốc hội đã ban hành hơn 20 luật trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường đã phần nào cụ thể hóa nội dung và tinh thần của Hiến pháp.
Tại Hội thảo, các thành viên Hội đồng đã trình bày tham luận đánh giá việc cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường trong một số luật đã được Quốc hội khóa 13 thông qua như Luật đất đai, Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật bảo vệ môi trường… và một số dự án luật đang trong quá trình xây dựng. Các tham luận tại Hội thảo đánh giá những điểm mới của các đạo luật cụ thể hóa nội dung  và tinh thần của Hiến pháp, đồng thời chỉ ra những điểm hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, kiến nghị các nội dung sửa đổi, bổ sung cho phù hợp hơn nữa với tinh thần bảo vệ quyền con người, quyền công dân cũng như yêu cầu phát triển bền vững hiện nay.
Tại Hội thảo, nhiều đại biểu cũng chỉ ra những hạn chế, khó khăn, thách thức mà đất nước ta phải đối mặt trong thời gian tới. Nền kinh tế nước ta vẫn chủ yếu phát triển theo chiều rộng, sức cạnh tranh thấp, chưa có vị trí tương xứng trong chuỗi giá trị toàn cầu, năng suất lao động của nước ta thấp xa so với nhiều nước trong khu vực. Khu vực kinh tế tư nhân trong nước chưa được khuyến khích phát triển đầy đủ, tư tưởng kinh doanh chạy theo lợi ích ngắn hạn còn phổ biến. Đổi mới doanh nghiệp nhà nước còn chậm, hiệu quả chưa cao. Mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường còn chưa được xử lý đúng đắn. Nhiều vấn đề văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, môi trường xuất hiện và diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng tới tiến trình phát triển bền vững đất nước. Điều này đỏi hỏi pháp luật phải là công cụ có hiệu quả của Nhà nước để điều hành và thúc đẩy nền kinh tế - xã hội phát triển, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Các ý kiến tham gia tại Hội thảo cũng đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và các dự án luật, pháp lệnh cụ thể hóa các quy định về kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ và môi trường trong Hiến pháp năm 2013.
Phạm Hậu
Vụ PLHSHC, BTP