Nét đẹp trong chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp theo gương “phụng công, thủ pháp, chí công vô tư”[1]

29/08/2017

Trong thư gửi Hội nghị Tư pháp toàn quốc (2-1948), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khuyên dạy rằng:“Tư pháp là một cơ quan trọng yếu của chính quyền, cho nên càng phải tinh thành đoàn kết, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan khác, để tránh những mối xích mích lẫn nhau, nó có thể vì lợi quyền nhỏ và riêng mà hại đến quyền lợi to và chung, cho cả tư pháp và hành chính. Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn phải nêu cao cái gương “Phụng công, Thủ pháp, Chí công vô tư” cho nhân dân noi theo”.
Thực hiện lời dạy nêu trên của Bác Hồ, và để các cơ quan tư pháp phải thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người, đồng thời phải là công cụ hữu hiệu bảo vệ pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm và vi phạm như đã được nêu tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đồng thời phát huy nét đẹp truyền thống trong trong cách ứng xử có văn hóa và giao tiếp lịch sự của người dân Việt Nam, đến nay Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành nhiều Quyết định quan trọng về lĩnh vực này trong ngành Tư pháp như Quyết định số 468/QĐ-BTP ngày 26/02/2009 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức Bộ Tư pháp; Quyết định số 51/2002/QĐ-BTP ngày 27/02/2002 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về “Chuẩn mực đạo đức chấp hành viên” và Quyết định số 2659/QĐ-BTP ngày 03/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức ngành tư pháp.
Dưới đây là những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức ngành tư pháp ban hành kèm theo Quyết định số 2659/QĐ-BTP ngày 03/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp:
Về chuẩn mực thứ nhất: Với Tổ quốc - Trung thành, phấn đấu vì “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân
Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; tích cực tham gia đấu tranh về mặt pháp lý nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; Bền bỉ đóng góp trí tuệ, công sức, tham gia hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật, thực hiện công tác tư pháp, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; Nắm vững, góp phần thể chế hóa bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tuân thủ, vận dụng sáng tạo các nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong xây dựng pháp luật, hoạt động tư pháp.
Về chuẩn mực thứ hai: Với nhân dân - Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân; phục vụ nhân dân, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân
Chuẩn mực này thể hiện đặc trưng của công tác tư pháp là thường xuyên trực tiếp giải quyết các yêu cầu hàng ngày của tổ chức, cá nhân nhằm bảo đảm thực hiện các quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của người dân. Nội dung chuẩn mực “gần dân, hiểu dân, học dân” thể hiện yêu cầu về thái độ ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp trong quan hệ với nhân dân. “Phục vụ dân, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân” là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của công tác tư pháp. Cụ thể là: Nắm vững quan điểm vì dân, tôn trọng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; Quán triệt đường lối dân vận của Đảng; dựa vào dân, sát với dân, xây dựng niềm tin và sự ủng hộ của nhân dân đối với công tác tư pháp, nhất là công tác thi hành án dân sự; Tích cực góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật vì nhân dân, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, phát huy phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa pháp lý tốt đẹp của dân tộc; Tuyên truyền, vận động nhân dân sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; Tích cực xây dựng nền tư pháp vì dân, phát huy vai trò của các chức danh tư pháp, tạo cơ chế pháp lý đầy đủ, thuận tiện, hữu hiệu để nhân dân sử dụng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình; Khách quan, công tâm khi thực hiện công tác tư pháp; kiên quyết đấu tranh với mọi hành vi xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Về chuẩn mực thứ ba: Với công tác tư pháp - Trách nhiệm, tận tụy, sáng tạo, kỷ cương, phụng công, thủ pháp, chí công vô tư
Chuẩn mực này nhấn mạnh yêu cầu về nguyên tắc, phương pháp thực hiện công tác tư pháp với nhiều đặc trưng so với các hoạt động quản lý nhà nước khác đó là: Có phạm vi rộng, tính chất phức tạp, thể hiện từ việc tham gia hoạch định chính sách, xây dựng, hoàn thiện pháp luật, tạo lập hành lang pháp lý, đến tham mưu áp dụng pháp luật, trực tiếp thi hành pháp luật và thực hiện các hoạt động chuyên môn có tính tác nghiệp; từ tham gia bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích của Nhà nước, lợi ích của xã hội, đến trực tiếp phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân. Vì vậy, cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp phải luôn tận tâm, tận lực, bền bỉ, kiên trì, không qua loa, đại khái; tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, sự phối hợp, ủng hộ của các cấp, các ngành và nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ. Cụ thể là: Làm tròn nhiệm vụ, trung thực trong công tác; hết lòng, hết sức với công việc; không quản ngại khó khăn, gian khổ; Không ngừng học tập, nâng cao nhận thức chính trị - pháp lý, thành thạo kỹ năng nghề nghiệp; Có tư duy, quan điểm thực tiễn, không pháp lý thuần túy; vì lợi ích chung, lợi ích của nhân dân để góp phần giải quyết triệt để những vấn đề bức xúc của đời sống kinh tế - xã hội, bảo đảm thực thi quyền tự do dân chủ của công dân; Kiên định đường lối đổi mới của Đảng; chủ động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; luôn tìm tòi, phát hiện cái mới, cách thức mới để thực hiện tốt hơn công tác tư pháp; Giữ nghiêm kỷ cương phép nước; lấy pháp luật làm chuẩn mực để xử lý công việc; Khách quan, công tâm; không nể nang, né tránh, bao che trong thực hiện công tác tư pháp; Thẳng thắn đấu tranh bảo vệ lẽ phải, lẽ công bằng.
Về chuẩn mực thứ tư: Với đồng nghiệp - Đoàn kết, thân ái, hợp tác, cùng tiến bộ
Chân thành, xây dựng tập thể đoàn kết, thống nhất, vững mạnh, hoàn thành nhiệm vụ; không có tư tưởng, biểu hiện cục bộ, chia rẽ, bè phái, tranh công đổ lỗi, đùn đẩy trách nhiệm; Trung thực, thẳng thắn, có tinh thần xây dựng, có tình đồng chí thương yêu, gần gũi, bảo vệ uy tín, danh dự của đồng nghiệp; Chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm; quan tâm dìu dắt, giúp đỡ nhau làm tròn nhiệm vụ.
Về chuẩn mực thứ năm: Với bản thân - Nêu gương cần, kiệm, liêm, chính, thượng tôn pháp luật
Đây là phẩm chất tiêu biểu, yêu cầu tự thân mà hơn ai hết, cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp phải thực hiện, nêu gương. Cụ thể là: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trước hết là học tập quan điểm nhân dân; chính sách đại đoàn kết; phương pháp làm việc thực tế, không giáo điều; phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính”; Hết lòng phục vụ lợi ích chung, lợi ích của tập thể; chống tư tưởng thực dụng, cơ hội, lợi ích cá nhân, phe nhóm; Thường xuyên giữ gìn, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, tư cách, lối sống; thể hiện tính chuẩn mực, nghiêm minh, công bằng của pháp luật; Là tấm gương tôn trọng, chấp hành pháp luật trong công việc cũng như trong sinh hoạt cộng đồng; Không cửa quyền, hách dịch, hạch sách, tham nhũng.
 Ôn lại và thực hành những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự nghiệp vẻ vang và đạo đức của người cán bộ tư pháp cùng với những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành tư pháp là niềm tự hào chung của mọi người trong không khí hướng tới kỷ niệm truyền thống 72 năm ngành Tư pháp Việt Nam (28/08/2017).
 
 
 
 
 
[1] ThS. Nguyễn Văn Nghĩa, Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp.