Chân dung một nữ Cục trưởng

01/01/0001
Lần đầu tiên được gặp và nghe chị nói, tôi đã băn khoăn không hiểu sao một người phụ nữ nhỏ bé như thế lại có sức “chiến đấu” dẻo dai đến vậy. Rồi dần dần tôi mới hiểu đó là tính cách của chị - luôn mạnh mẽ, quyết đoán và đầy tâm huyết với công việc. Chị là Tạ Thị Minh Lý, nữ Cục trưởng đầu tiên của ngành Tư pháp.

Hơn 10 năm đi cùng dân

Trở lại năm 1995, tôi được biết chị là một trong những người “khai sinh” ra hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) ở nước ta. Thực hiện chủ trương của Ban Bí thư TƯ Đảng, Bộ Tư pháp được Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu lập hệ thống dịch vụ tư vấn pháp luật không lấy tiền cho người nghèo và đồng bào dân tộc ít người. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc lúc đó đã giao cho Vụ Quản lý luật sư, tư vấn pháp luật nghiên cứu lập Đề án triển khai thực hiện. Với cương vị Phó Vụ trưởng, chị được phân công trực tiếp phụ trách nhóm nghiên cứu. Từ ngày ấy, chị “bén duyên” với lĩnh vực TGPL còn mới mẻ vô cùng ở Việt Nam và lần nào tiếp xúc cùng chị, tôi cứ có cảm giác ngọn lửa say mê trong chị sẵn sàng cháy sang tôi.

Chị tâm sự, trên thế giới TGPL đã có lịch sử hàng trăm năm nhưng thuật ngữ này lại quá xa lạ với người dân nước ta. Vì vậy, để mọi người hiểu được bản chất, mục đích, ý nghĩa và hình thức triển khai, chị đã phải suy nghĩ rất nhiều. Bằng kiến thức 6 năm học luật tại Trường Đại học Tổng hợp Kishinhep Mondavia (LB Xô Viết cũ), chị nhận ra rằng TGPL Việt Nam vừa phải bảo đảm được bản chất, đặc điểm của hoạt động TGPL vừa phải đáp ứng tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của những đối tượng chịu thiệt thòi trong xã hội.

Chị và cả nhóm nghiên cứu đã chủ động đề xuất triển khai thí điểm thành lập Trung tâm TGPL của Nhà nước tại Cần Thơ và Hà Tây và được lãnh đạo, nhân dân 2 địa phương hoan nghênh, đón nhận. Rất nhanh chóng, chỉ trong vòng 2 năm, đến ngày 6/9/1997, Thủ tướng Chính phủ đã có đầy đủ cơ sở để ký ban hành Quyết định số 734/TTg về việc thành lập tổ chức TGPL. Theo đó, Cục TGPL thuộc Bộ Tư pháp được thành lập, chị được bổ nhiệm Phó Cục trưởng Cục TGPL và được giao phụ trách Cục. Tháng 4/1999, chị được đề bạt là Cục trưởng Cục TGPL.

Xây dựng “thương hiệu” TGPL Việt Nam

Không giống phần lớn các nước, phạm vi hoạt động TGPL của Việt Nam mở rộng hơn là thực hiện đại diện, bào chữa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trước cơ quan tiến hành tố tụng, kiến nghị giải quyết vụ việc với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; đối tượng của TGPL Việt Nam có cả những người có công với cách mạng, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số; hoạt động TGPL ở nước ta miễn phí hoàn toàn. Cho nên, để tạo nguồn lực cần thiết cho hoạt động TGPL ở Việt Nam, chị đã không mệt mỏi, làm nhiệm vụ “giao liên” giúp các quốc gia và các tổ chức quốc tế hiểu thấu đáo về chủ trương, chính sách tốt đẹp của Đảng, Nhà nước và làm rõ những điểm khác biệt trên của TGPL Việt Nam.

Có lẽ cảm nhận được tấm lòng chân thành và bầu nhiệt huyết của chị, nhiều đối tác luôn sẵn sàng ủng hộ. Các dự án hợp tác với các tổ chức quốc tế đều do phía Việt Nam tự thực hiện, không phải thuê chuyên gia nước ngoài điều hành như nhiều dự án hợp tác khác. TGPL ở Việt Nam đã có “thương hiệu” nhất định khi được các nước và các tổ chức quốc tế đánh giá là một nước khá thành công về lĩnh vực này với ý nghĩa là giải pháp hiệu quả bảo đảm thực hiện quyền con người.

Chủ động đưa ra các sáng kiến cải tiến lề lối làm việc, công khai và minh bạch tài chính, mở rộng phạm vi hoạt động các dự án, nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện các dự án, chị đã khiến cho các đối tác không ngần ngại cấp gần 500 triệu đồng/năm cho hoạt động và mua sắm trang thiết bị của mỗi Trung tâm TGPL trong cả nước. Không những thế, Dự án tổng “Hỗ trợ hệ thống TGPL ở Việt Nam, giai đoạn 2005 - 2009” còn được Chính phủ Thuỵ Điển chọn làm Dự án điểm và khẳng định cụ thể trong cam kết giữa 2 Chính phủ sự tin cậy đối với Cục trong chỉ đạo hoạt động toàn quốc.

So với các lĩnh vực xoá đói giảm nghèo về lương thực, thực phẩm, nhà ở… thì xoá đói giảm nghèo về pháp luật là lĩnh vực sinh sau đẻ muộn nhưng cũng sớm trở thành một chính sách nằm trong các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi, Chương trình 135 giai đoạn II. Điều này khẳng định bước tiến mới của Việt Nam trên trường quốc tế trong công cuộc xoá đói giảm nghèo của đất nước một cách toàn diện và đồng bộ.

Những thành công ấy không thể không kể tới đóng góp của chị sau hơn 10 năm chèo lái “con thuyền” TGPL miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách. Và chúng đã được ghi nhận bởi nhiều Bằng khen, Huy chương, Kỷ niệm chương, Giấy khen cùng nhiều danh hiệu thi đua. Đặc biệt, năm 2007, Chủ tịch nước đã tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba vì những cống hiến của chị cho công tác TGPL.

“Luật dành cho người nghèo”

Nhìn lại chặng đường phát triển của công tác TGPL, chị Lý tự hào, Luật TGPL ra đời tháng 6/2006 là dấu son chói lọi trong quá trình phát triển về chất của công tác TGPL nói riêng và sự trưởng thành của ngành Tư pháp nói chung. Cũng vì trăn trở hết dự thảo Pháp lệnh rồi lại Luật và xử lý hàng núi công văn, giấy tờ giải quyết công việc mà mãi thời gian gần đây chị mới bảo vệ thành công Luận án tiến sĩ về đề tài TGPL. Những xúc cảm trào dâng vào khoảnh khắc Luật TGPL được Quốc hội bấm nút thông qua đã nói thay chị biết bao điều:

“Ngày 23 đi vào sử sách

Từ nay, dân sẽ hiểu

Luật dành cho người nghèo”

Khác hẳn với cái mạnh mẽ, quyết liệt trong công việc, chị trở nên trầm hẳn khi tôi mạn phép hỏi về cuộc sống riêng tư của chị. Ở gia đình nhỏ bé của mình, chị chỉ là một người vợ, người mẹ, người bà như bao phụ nữ khác. Người ta thường nói “đằng sau người đàn ông thành công có bóng dáng của người phụ nữ” còn với chị thì đằng sau chị có một tổ ấm và một đức lang quân hết lòng cảm thông.


Hoàng Thư