Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm góp ý dự thảo Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Bộ

Tin tức

Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm góp ý dự thảo Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Bộ

Sáng ngày 09/6/2022, Bộ Tư pháp đã tổ chức Tọa đàm góp ý đối với dự thảo Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Bộ Tư pháp. Đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn - Chánh Văn phòng Bộ và đồng chí Lê Tuấn Phong - Phó Chánh Văn phòng Bộ đồng chủ trì Tọa đàm. Tham dự Tọa đàm có đồng chí Nguyễn Đỗ Kiên - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ; Đồng chí Đỗ Thị Thúy Lan - Phó Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia; đại diện Lãnh đạo cấp Vụ và chuyên viên các đơn vị thuộc Bộ thực hiện quản lý nhà nước về thủ tục hành chính và các đơn vị thuộc Bộ có liên quan.
Tại buổi Tọa đàm, đồng chí Lê Vân Anh - Trưởng phòng Tổng hợp – kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Bộ đã trình bày dự thảo Tờ trình, Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Bộ Tư pháp. Theo đó, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, Văn phòng Bộ Tư pháp đang chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng dự thảo Đề án Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của Bộ với 04 nội dung đổi mới gồm: (i) Đổi mới mô hình tổ chức bộ phận một cửa; (ii) Đổi mới việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC trực tuyến; tổ chức quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ việc đơn giản hoá trong chuẩn bị, tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; (iii) Đổi mới hoạt động tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC theo hướng gắn với số hóa và tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC với quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC; (iv) Đổi mới việc giám sát, đánh giá chất lượng giải quyết TTHC theo thời gian thực trên cơ sở ứng dụng công nghệ mới.
Dự thảo Đề án đưa ra 02 phương án tổ chức thực hiện bộ phận một cửa gồm: Một là, giữ nguyên mô hình một cửa phân tán tại các đơn vị có thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết TTHC như hiện nay; Hai là, thực hiện mô hình một cửa vừa tập trung vừa phân tán, trong đó mô hình một cửa tập trung thực hiện đối với các đơn vị có thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết TTHC tại địa chỉ 60 Trần Phú, quận Ba Đình, Hà Nội và mô hình một cửa phân tán thực hiện tại các đơn vị có trụ sở ngoài địa chỉ ngoài địa chỉ 60 Trần Phú, quận Ba Đình, Hà Nội.
Nếu lựa chọn một trong hai phương án Bộ Tư pháp cũng cần nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Bộ trên cơ sở hợp nhất Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ; Kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu của Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Bộ với Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các hệ thống thông tin giải quyết TTHC các cấp từ Trung ương đến địa phương và cơ sở dữ liệu chuyên ngành để hỗ trợ xác thực thông tin người dân, doanh nghiệp và thanh toán phí, lệ phí trực tuyến; Tổ chức triển khai quy trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC tại các bộ phận một cửa của Bộ.
Tại Tọa đàm đã nhận được nhiều ý kiến của đại diện các đơn vị thuộc Bộ có liên quan; các ý kiến đóng góp tại Tọa đàm phần lớn cơ bản nhất trí với các nội dung đổi mới tuy nhiên cũng phân tích bổ sung làm nổi bật hơn những ưu điểm, hạn chế, khó khăn, vướng mắc đối với 02 phương án tổ chức thực hiện bộ phận một cửa nêu trong dự thảo Đề án.
Phát biểu Kết luận tại Tọa đàm, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn ghi nhận những ý kiến đóng góp rất tâm huyết, trách nhiệm của các đơn vị trong đối với dự thảo Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Bộ Tư pháp. Trong thời gian tiếp theo, đề nghị các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục phối hợp với Văn phòng Bộ hoàn thiện dự thảo Đề án để trình Lãnh đạo Bộ ban hành, triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của Bộ Tư pháp./.